Advertisement
Cẩm nang Châu Âu

TẾT NGUYÊN ĐÁN – TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT

Advertisement

Thời gian cứ khéo trôi qua một cách thật êm đềm, mới đấy mà một năm đầy trải nghiệm lại sắp kết thúc. Để tất bật đón một năm mới, một sự khởi đầu mới đầy tươi vui và phấn khởi. Ắt hẳn, những ai xa quê đang náo nức chuẩn bị hành trang chờ ngày lên xe về quê đoàn tụ cùng gia đình. Còn người dân quê lại rộn rang sửa sang nhà cửa, dọn dẹp sân vườn chờ ngày Tết sang. Cũng hòa chung trong không khí đó hôm nay Vietourist – Vigo chia sẻ một đôi điều về ngày Tết để mọi người có thể hiểu rõ hơn về ngày lễ truyền thống của đất nước mình nhé!

 

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Do quá trình đô hộ 1000 năm Bắc thuộc mà chúng ta thường nhầm lẫn và nghĩ rằng Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng mấy ai nhớ được, trước khi chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, người Việt chúng ta đã có một nền văn minh rực rỡ thời kỳ sơ khai dựng nước. Thời vua Hùng Vương, An Dương Vương đã hình thành nên những phong tục tập quán  cho người Việt và trong đó có tục “ăn Tết” được tổ chức vào những ngày đầu năm mới.

 

 

Nguyên nghĩa của “Tết” chính là “ Tiết”, vì người Việt có nền văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp nên “phân chia” thời gian trong năm thành 24 tiết khác nhau. Trong đó, Tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng – tức Tiết Nguyên Đán và sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.

Và thông qua câu chuyện sự tích “Bánh chưng bánh dày” biểu trưng cho quan niệm “Trời tròn – Đất vuông” của cư dân người Việt làm nông nghiệp; đã chứng minh Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Việt Nam chúng ta, trước cả thời Tam Hoàng Ngũ Đế bên Trung Hoa.

 

 

Khổng Tử – Nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa, trong sách Kinh Lễ có viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.

Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới,không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này“. Điều đó càng khẳng định, Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Việt Nam, sau đó tích góp thêm những tinh hoa từ cộng đồng người Hoa du nhập và phát triển như ngày nay.

 

 

Ý nghĩa dân tộc trong ngày Tết Việt Nam

Người Việt đón Tết Nguyên Đán thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng) hàng năm.

 

 

Nhưng dường như công đoạn để chuẩn bị đón Tết người dân còn bắt đầu vào cả một tháng trước khi ngày Tết đến. Nhà nào nhà nấy ai cũng tất bật sửa sang, trang trí sao cho sạch sẽ, sinh động để đón một cái Tết thật huy hoàng. Những gốc Mai Vàng (loài hoa đặc trưng cho ngày Tết ở miền Nam) trước nhà, sau khi được nhặt sạch lá, người dân sẽ vun cát đầy gốc để cho Mai vươn nụ, nở hoa đúng ngay vào dịp Tết, với cái tên đầy ý nghĩa của mình nên hầu như nhà nào cũng có một gốc mai, mai nở càng nhiều, rực rỡ ánh vàng khắp sân thì sẽ càng thu được nhiều may mắn cho năm mới.

 

 

Vào những ngày xôn xao đón Tết, cả xóm lại có dịp xom tụ ngồi cùng nhau gói đòn bánh tét, cái bánh chưng; xay nếp đổ bánh tráng, bánh phồng. Rôm rả tiếng cười nói, ngào ngạt mùi bánh thơm nức cả vùng quê yên ả. Tươm tất xong mọi việc, nhà nào cũng khịnh nịnh mang vác những chậu hoa cúc, hoa mai, chậu quất vàng hay quả dưa hấu xanh từ chợ, đem về nhà để tăng thêm sắc xuân, hương Tết. Chỉ cần ngồi mường tượng ra khung cảnh đó thôi mà lòng đã nháo nháo mong trôi nhanh ngày để mau đến Tết.

 

 

 

Dịp Tết cũng chính là dịp đoàn tụ gia đình. Người Việt dù làm nghề gì, ở đâu cứ nghe sắp đến Tết là lại cuốn quýt sửa soạn hành trang, quà bánh mang về quê để biếu tặng gia đình, cúng bái ông bà tổ tiên. Người ở xa quê lập nghiệp lại túc trực ngày đêm đặt vé xe, tàu hỏa hay máy bay để có chỗ mà về quê kịp ngày đón Tết. Có lẽ đây là ý nghĩa chính của ngày Tết – ngày hội đoàn viên của mọi nhà. Dịp để những đứa con, đứa cháu thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” thông qua việc về thăm lại quê hương, gia đình, hiếu kính lau dọn bàn thờ tổ tiên, trưng mới mâm ngũ quả, cắt cỏ, sơn phết hay lau chùi ngôi mộ sau nhà.

 

 

Bao nhiêu nợ nần, chuyện không vui đều được thanh toán trước khi bước sang năm mới. Với quan niệm năm mới là sự khởi đầu mới, niềm vui, may mắn mới nên không thể để những đều còn vướng bận trong năm cũ mang theo năm mới như thế là điều không hay và không may mắn. Cũng vì thế mà trong ba ngày Tết, mọi người luôn phải giữ tinh thần vui vẻ, ăn nói từ tốn từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối quan hệ được tốt đẹp.

 

 

Năm mới đến cũng là thêm tuổi mới. Và người Việt có tục mừng tuổi, trẻ nhỏ thì cầu chúc ông bà, cha mẹ sống lâu, mạnh khỏe. Còn người lớn thì chúc các cháu mau ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi. Từng lớp học trò dù còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã có công danh rạng ngời đều nhờ vào dịp Tết này mà bày tỏ lòng biết ơn với người thầy, người cô đã góp công dạy dỗ mình thành tài.

 

 

Và năm mới cũng chính là dịp để bạn bè gặp gỡ, tiệc tùng, hàn huyên tâm sự cùng nhau. Cung chúc cho nhau những điều lành, điều tốt đẹp. Là thời điểm cấp trên ghi nhận công lao cấp dưới sau một năm trời nỗ lực cống hiến hết mình bằng việc tặng thưởng.

 

 

Bấy nhiêu đó thôi cũng cho thấy được ngày Tết có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt. Vì thế chúng ta phải có nghĩa vụ gìn giữ thật tốt ngày lễ truyền thống của dân tộc, không để ngày càng mai một về sau.

 

 

Chỉ còn một ngày nữa là chúng ta sẽ được đón một cái Tết Nguyên Đán mới đầy nhộn nhịp và tươi vui. Vietourist – Vigo kính chúc Quý khách có nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn và thật hạnh phúc bên gia đình trong năm mới này nhé!

 

Tham khảo nhiều nguồn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Post Comment